“Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi! Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng thích Giê-ru-sa-lem hơn sự vui vẻ nhất của ta, nguyện lưỡi ta dính nơi ổ gà!” (câu 5, 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Thi-thiên này được viết vào thời nào? Có thể chia làm mấy phần? Vì sao những người bị lưu đày ngồi khóc bên bờ sông Ba-by-lôn? Câu 5, 6 nói lên tâm tình nào của những người bị lưu đày? Lòng bạn hiện đang hướng về đâu?
Do động từ dùng ở câu 1-3 đều ở thì quá khứ, nên chúng ta biết Thi-thiên 136 là bài ca buồn của một người đã được trở về từ chốn lưu đày, ngồi nhớ lại những nỗi đắng cay nơi đất khách quê người mà tác giả không thể nào xóa nhòa trong ký ức. Bài thơ chia làm ba khổ cân đối: Nhớ lại cảnh buồn thảm nơi chốn lưu đày (câu 1-3); khẳng định tấm lòng đối với với Si-ôn (câu 4-6); lời cầu xin Chúa báo trả trên Ê-đôm và Ba-by-lôn (câu 7-9).
Đối với người Do Thái, Si-ôn hay Giê-ru-sa-lem là trung tâm thiêng liêng của đời sống họ, nơi có Đền Thờ Đức Chúa Trời để họ thờ phượng, dâng của lễ. Khi ngồi bên bờ sông Ba-by-lôn, những người bị lưu đày nhớ về Giê-ru-sa-lem với những buổi nhóm họp tràn đầy phước hạnh, những lời ca ngợi Đức Chúa Trời vang dội… họ bèn khóc, nước mắt chảy ra khác nào dòng nước sông Ba-by-lôn đang chảy. Thật là một cảnh tượng não nề. Chưa hết, lòng họ còn cay đắng hơn khi Dân Ngoại nhạo báng họ, đòi họ hát một bài ca của Đức Giê-hô-va. Trong nỗi buồn thảm, họ đã cầu xin Chúa báo trả Ê-đôm và Ba-by-lôn theo như các điều ác chúng đã làm. Người Ít-ra-ên bị lưu đày vì tội bất tuân và thờ thần tượng. Trong chốn lưu đày, làm sao dân Chúa có thể hát bài ca chúc tụng Chúa cho những người ngoại bang nghe được, cây đàn của họ phải treo trên cành liễu ven sông. Nhưng nhờ những năm tháng lưu đày đó, lòng con dân Chúa quay trở lại, hứa nguyện với Chúa rằng nếu con quên Giê-ru-sa-lem, nguyện tay hữu con không thể lướt trên phím đàn, lưỡi con sẽ dính nơi ổ gà không còn cất tiếng ca được nữa. Điều này cho thấy lòng họ luôn hướng về Đền Thánh Chúa tại Si-ôn, tiếng đàn và lời ca vẫn luôn vang vọng trong nơi sâu thẳm của tâm hồn. Ba-by-lôn đối với họ chỉ là đất khách quê người, họ khẳng định không bao giờ quên thành thánh Giê-ru-sa-lem, vì đó mới chính là quê hương của họ.
Ngày nay chúng ta đang sống giữa thế gian này, điều quan trọng là lòng chúng ta không được quên quê hương thật của mình là Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Những tháng ngày trên đất chỉ là cõi tạm, xin Chúa cho chúng ta khẳng định đức tin của mình bằng lời hứa: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi! Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng thích Giê-ru-sa-lem hơn sự vui vẻ nhất của ta, nguyện lưỡi ta dính nơi ổ gà!” Đó có phải là ước nguyện của bạn không?
Lạy Chúa, xin cho lòng con luôn hướng về quê hương thật ở trên trời để cuộc sống hiện tại của con luôn là một bài ca chúc tụng Chúa không thôi.
Văn Phẩm Nguồn Sống